BÀI CHÒI QUẢNG TRỊ
NGHỆ THUẬT CUỐN HÚT NGƯỜI CHƠI
Cái Thị Vượng-Bảo tàng Quảng Trị
Bài chòi là một loại hình sinh hoạt
văn hóa dân gian ra đời từ rất lâu ở khu vực duyên hải miền Trung Trung Bộ,
trong đó có Quảng Trị. Tại
hầu hết các làng Việt cổ truyền trên địa bàn Quảng Trị từ những năm 1945 trở về
trước đều tồn tại một hình thức giải trí vào dịp tết - đó là đánh bài tới. Bài
tới là một trò chơi giải trí chủ yếu giành cho các phụ nữ ở độ tuổi trung niên
trở lên ngồi đánh trên các sạp chiếu và chỉ mang tính chất nhỏ lẽ trong từng
gia đình. Về sau, đánh bài tới tại một số làng quê đã phát triển lên một bước
mới về quy mô và cách thức, các làng đã cho dựng chòi phía trước sân đình, sân
chợ để tổ chức hội bài chòi, cờ chòi trong các dịp xuân đến, thu hút mọi lứa
tuổi trong cộng đồng làng gia cuộc chơi. Từ đây, bài chòi thực sự trở thành
ngày hội của cộng đồng làng và được dân gian gọi là Hội bài chòi.
Từ đó bài chòi đã trở thành trò chơi dân gian lành
mạnh và có sức hấp dẫn mạnh mẽ, cuốn hút công chúng nhất là các tầng lớp bình dân,
nhân dân lao động tại các địa phương và đã trở thành món ăn tinh thần không thể
thiếu của người dân Quảng Trị và khắp cả các tỉnh miền Trung ngày trước. Vậy điều
gì khiến cho người dân Quảng Trị lại đam mê bài chòi đến như vậy? Lý giải cho vấn
đề này chúng tôi thiết nghĩ đó không chỉ là những đặc trưng, giá trị văn hóa của
bản thân bài chòi mà còn cả nghệ thuật bài chòi Quảng Trị.
1.
Đặc trưng cơ bản trong hội bài chòi dân
gian Quảng Trị
- Bài chòi là trò
chơi dân gian, bình dân lành mạnh mang tính văn nghệ, giải trí, thu hút mọi tầng
lớp nhân dân từ người già đến trẻ nhỏ, thanh niên nam nữ trong vùng kể cả những
người khách qua đường. Họ tập trung đến đây để thử vận hên xui đầu năm, việc ăn
hay thua là yếu tố không đáng kể. Từ đó bất kỳ ở đâu có hội bài chòi cũng thu hút
nhiều người không chỉ đến chơi mà còn thưởng thức những tài nghệ của người chạy
bài/ người hô thai từ đó bài chòi trở thành ngày hội của nhân dân trong vùng.
- Từ tài nghệ của
người chạy bài/ người hô thai, bài chòi đã trở thành phương tiện truyền tải những
giá trị văn hóa truyền thống của cha ông cho các thế hệ, đó là các câu ca dao,
tục ngữ, các tích truyện có nội dung về tình yêu quê hương đất nước, yêu làng xóm,
đạo hiếu với ông bà tổ tiên, nghĩa tình sâu đậm vợ chồng ... Đây là các lời dạy,
lời chỉ bảo của cha ông truyền qua bao thế hệ. Đây chính là mấu chốt là chất
keo để gắn kết cộng đồng làng xóm.
- Bài chòi mang
giá trị đặc trưng về mặt nghệ thuật âm nhạc bình dân đó là các tiết tấu dân
gian quen thuộc, dể hiểu dể tiếp thu.
- Các câu thai
trong bài chòi mộc mạc, chân chất phù hợp với cuộc sống của người lao động tại
các làng quê nhưng vẫn hàm chứa nội dung sâu xa mang đặc trưng của dòng văn học,
thơ ca bình dân nhưng đây là tiền đề để sau này dòng văn học hiện đại ra đời.
2. Những
giá trị văn hóa trong bài chòi Quảng Trị
- Đây là trò chơi
để giải trí, thỏa mãn tinh thần của người lao động trong dịp xuân về, bài chòi đem
lại sự hồ hởi sảng khoái sau những tháng ngày lao động mệt nhọc bởi những sự lo
toan trong cuộc sống đời thường. Bài chòi lại không gắn bó với các việc tế lễ mà
đơn thuần chỉ là trò giải trí, đó là hội mà lại là hội xuân nên thu hút đông đảo
người chơi.
- Hội bài chòi là
hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng, là phương tiện giao lưu tình cảm bền chặt,
gắn bó cố kết cộng đồng bởi vì họ chính là người tổ chức, người chơi, người xem,
lại là các nghệ nhân sáng tác các câu thai, là người nghệ sĩ tài ba trong việc ứng
biến và hô các câu thai... Đây chính là những nhân tố trực tiếp thúc đẩy thu
hút người chơi đến với hội bài chòi dân gian.
- Hội bài chòi
khơi nguồn cảm hứng sáng tạo cho mọi người, từ những cái đã có càng ngày các câu
thai càng được bổ sung và có sức sống rất mãnh liệt nó tồn tại và trải dài theo
thời gian mặc dầu mảnh đất Quảng Trị trải qua biết bao thăng trầm dâu bể của
chiến tranh và ly loạn.
3. Nghệ thuật trong cách chơi và thể lệ chơi
Theo nghiên cứu
bước đầu ở một số làng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có 3 cách chơi bài chòi cơ
bản và dựa vào đó để người ta dựng và bố trí các chòi chơi như sau:
- Cách thứ nhất: Tại làng Ngô Xá Tây -Triệu
Trung (huyện Triệu Phong)
Dựng 11 chòi con (chòi quân) được bố trí
theo hình chữ U, 1 chòi cái (chỉ huy giành cho ban tổ chức và ban nhạc cổ) nằm
đối diện.
Ban tổ chức phân bộ bài thành 11 phần bất
kỳ, mỗi phần 5 con gọi là tay bài, 01 con để người chạy bài/ người hô thai đi
chợ, còn lại 4 con nhưng phải là 2 cặp do Ban tổ chức giữ lại (có thể là 2 cặp
bài bất kỳ trong bộ bài tới). Khi ban tổ chức thông báo vào cuộc chơi thì người
chạy bài mang các tay bài đến các chòi, mỗi chòi được quyền rút ngẫu nhiên 1
tay bài và để lại một con làm con đi chợ. Các chòi con mỗi lần đi hai con, con
cuối cùng dùng để "chực tới". Khi chòi nào thắng cuộc thì dùng mõ để
báo hiệu (mỗi lần đi thì đánh một hồi 3 tiếng, nếu thắng thì đánh hồi dài).
- Cách thứ hai: Tại làng Hà Thượng - Thị Trấn Gio
Linh (huyện Gio Linh)
Dựng 10 chòi con, chia làm 2 phía 1 chòi ở
chính giữa là chòi trung tâm hay còn gọi là chòi cái. Bộ bài chơi sơn 2 màu 30
quân xanh và 30 quân đỏ
Theo quy định của ban tổ chức, hội chơi được chia làm 2
phe (mỗi phe 5 chòi ở cùng một phía). Sau đó người chơi mua vé để lên chòi
chơi, trên vé có đánh số chòi, người chơi mua trúng chòi nào thì lên chòi đó. Khi người chơi đã lên đủ trên các chòi thì hai người chạy
bài/hô thai tiến hành phát bài cho 10 chòi quân, mỗi chòi được chọn ngẫu nhiên
3 con bài, 30 con bài còn lại dốc ngược chỉ chừa lại phần chân đặt trong ống
tre ở chòi cái.
Sau khi các chòi đã chọn xong bài, người chạy bài/ hô bài thai bước đến ống
tre đựng cờ ở chòi cái, xóc đi xóc lại rồi chậm rãi rút từng con bài. Mỗi lần
rút bài người chạy bài/ hô bài thai hô
câu thai tên con bài. Chòi nào có đúng quân bài đó thì người chơi cầm mõ gõ lên
ba tiếng cắc, cắc, cắc hoặc xướng to lên "ăn rồi" thì người chạy bài/
hô bài thai sẽ sai ngưòi phụ việc đến trao cho một cây cờ đuôi nheo nhỏ. Đến
lúc chòi con nào ăn đủ 3 con (được 3 cờ) thì hô "tới" và gõ một hồi
mõ kéo dài, lúc này âm thanh của các nhạc cụ vang lên báo hiệu có người
thắng/tới. Thông thường cuộc chơi từ 8 đến 10 hiệp là hết một ván bài chòi, lưu
lại một hiệp/ ván cho ban tổ chức dùng để chi phí và sau đó tiếp tục kẻ bước
xuống người bước lên chòi chơi ván khác.
-
Cách thứ ba: Tại làng Đơn
Duệ -Vĩnh Hòa (huyện Vĩnh Linh) dựng 10 chòi và chia làm 2 phe
Ban tổ chức phân bộ bài thành 2 phần, mỗi
phần 30 con gọi là quân xanh - quân đỏ tương ứng với hai dãy chòi hai bên. Mỗi
bên có một người chạy bài. Khi ban tổ chức xáo bài xong thì người chạy bài của
mỗi bên cầm phần bài của mình đến các chòi, mỗi chòi được quyền rút ngẫu nhiên
5 con bài, riêng chòi trung tâm (chòi cái) được phát 6 con bài (mỗi người chạy
bài phát 3 con) đội nào phát bài chậm thì con cuối cùng của đội đó làm con đi
chợ. Bốn con còn lại được giữ ở chòi Cái nhưng phải là 2 cặp bài bất kỳ. Các
chòi con mỗi lần đi hai con, con cuối cùng dùng để "chực tới" (riêng
3 con bài tử, ầm và đỏ mỏ không được “chực”). Khi chòi nào
thắng cuộc thì dùng mõ để báo hiệu.
4. Nghệ thuật của người chạy bài/ hô thai
trong hội bài chòi
Như chúng tôi đã
đề cập ở phần trên, bài chòi là mội trong những hình thức nghệ thuật dân gian
sinh động bởi bản thân nó đã có sự kết hợp khéo léo cả thơ ca, ca dao, tục ngữ
với nhạc cổ truyền qua lối ứng tác, diễn xuất độc đáo và nhanh nhạy; tất cả đó
được được thể hiện qua khả năng trình diễn, đối đáp và thách đố của người chạy
bài/ người hô thai trong hội bài chòi. Họ chính là những nông dân mộc mạc chân
chất trong cuộc sống lao động bổng hóa thành những diễn viên trong các hội bài
chòi. Những nét mộc mạc chân chất mang đậm tính dân gian ấy đã tạo ra nét đẹp
hồn nhiên hiệu quả thu hút hấp dẫn người đến với hội chơi. Có thể khẳng định
người hô thai là linh hồn, là sức sống quyết định thành công trong hội bài chòi
Người chạy bài
vừa là người hô thai để thách đố các bạn chơi trên tất cả các chòi; do vậy các
câu hô thai luôn biến đổi không theo một bài bản nhất định để tránh sự nhàm
chán nhưng hàm nghĩa phải sát đúng với con bài để người chơi đoán định. Người
chạy bài phải là người nghệ sĩ tài hoa thông thuộc nhiều câu ca dao, tục ngữ
cũng như các tích tuồng để thách đố các chòi chơi và phe chơi của quân mình khi
chia làm 2 phe. Họ phải là người tài trí thông minh, nhanh nhạy ứng biến vạn
trạng của người hô thai mà người Quảng Trị quen gọi là “hò mui miếng” để khen
ngợi ví von họ. Trong tất cả 30 con bài của bộ bài tới cứ mỗi con bài thường
được ứng với một hay nhiều câu thai. Mỗi câu thai được hô theo những làn điệu,
tích tuồng khác nhau mà người ta dựa vào đó để sáng tác. Lời câu thai không
bóng bẩy, cầu kỳ mà mang tính hồn nhiên, trong trẻo dễ nhớ. dễ ăn sâu và đi vào
lòng người.
Vừa là người
nghệ sỹ, vừa là nhà thông thái nhưng chính họ lại là nghệ sỹ hài mua vui chi bà
con cô bác có mặt trong hội chơi. Từ bộ mặt đến dáng điệu của người chạy bài/
hô thai có sự kết hợp nhuần nhuyễn để thể hiện sát đúng với nội dung con bài
tuy vậy vẫn gây được tiếng cười cho khán giả, nhưng vẫn ở mức độ chừng mực, ý
tứ để mọi người có mặt ngẫm lâu cười khoái. Tất cả hình thức bên ngoài của họ
đều chỉ mang tính phụ họa gây cười tạo không khí vui vẽ cho người đến dự hội
bài chòi đầu năm. Theo những người có mặt trong hội bài chòi thì niềm vui này
là vận may, vận phúc đến với họ trong suốt cả năm mới.
Mặc dầu không
cầu kỳ như những diễn viên lên sân khấu với các trang phục lộng lẫy đẹp mắt;
người chạy bài /hô thai thường sử dụng trang phục thường ngày của họ đó là bộ
bà ba truyền thống của người Quảng Trị, để phân biệt với khán giả trong hội
chơi có chăng họ chỉ điểm xuyến thêm một vài chổ như thắt nơ trên đầu hay buộc
đai bên hông. Thế là họ đã trở thành một diễn viên nghiệp dư đang diễn cho
người dự hội là hàng trăm khán giả. Các động tác biểu diễn của họ không có bàn
tay của đạo diễn sân khấu, không có nghệ thuật hay kỷ thuật giàn dựng mà tất cả
là sự ngẫu hứng nên hoàn toàn không bài bản hay quy cách nào. Thông thường mỗi cuộc
chơi thường có hai đến 4 người thay đổi nhau để hô thai.
Ngôn ngữ các câu
hô thai chân chất dung dị. lời thơ mộc mạc chân quê hợp tình, hợp lý. Nếu nói
thì nói theo kiểu ngụ ngôn, thành ngữ hay dùng ngắn gọn, dễ nhớ. Nếu hề thì đi
theo lối truyện tiếu lâm dân gian. Nếu thách đố thì rất tục và dân giả nhưng
giải nghĩa thì thanh thoát đến lạ lùng. Ví dụ để thách đố con Đượng có các câu
thai:
Đò em đưa đón bộ hành,
Ghe con một chiếc tứ anh trọn bề,
Trải qua mưa nắng dầm dề,
Quanh năm chèo chóng tứ bề sóng xô,
Tiếng ai văng vẵng gọi đò,
Mau mau nhổ nọc
chèo qua đón người
hay: Em ơi răng mà xem lên thì sáng ràng
sáng rạng,
Ngó lên đã thấy mặt trời.
Vì em sa giấc ngũ nên con bướm anh vô chơi
lộng chừng.
Hoặc con Ngũ
Chợ đang đông răng em không ra giảo lượn
hơn thua.
Để mần chi cho chợ tan quán tắt thì vò vọ
với cua ghềnh em cũng quơ.
hay: Tham chi cờ bạc anh ơi,
Đêm đi ngày ngũ mọi người cười cho.
Con Gối:
Đêm nằm nghe vạc kêu sương,
Xuân về lòng nhớ người thương chung tình.
Nhưng có cách hô khác:
Ngó lên trên trời thì thấy tàu bay tợ
dường như con én liệng
Ngó xuống dưới đất thì thấy tàu điện chạy
liên miên
Ơi tình ơi nợ ơi duyên.
Có nơi mô kết vấn thề nguyền.
Để mần chi bữa ni chờ bữa mai đợi để lợ
căn duyên bạn cười.
Với các dụng cụ
trong đội nhạc cổ truyền thống như: trống, đàn nhị, sanh. kèn đã hổ trợ rất
nhiều cho người hô thai và các động tác diễn xuất. Bà con xa gần đến hội đều
ước muốn được nghe tiếng hô hay của người chạy bài với nhiều câu thai mới lạ
hòa đồng với tiếng nhạc tiếng đàn truyền thống thế là đã thu hút được người
chơi.
Có thể khẳng
định với những đặc trưng cơ bản, những giá trị văn hóa truyền thống, nghệ thuật
và thể lệ chơi khá phong phú và đa dạng và khác xa so với một số tỉnh ở miền
Trung, cùng với sự tài hoa của người nông dân hóa thân làm nghệ sỹ đang diễn
trên sân khấu quê nhà ... Tất cả thế là đủ để làm thỏa mãn mong ước của người
chơi và dân chúng xa gần, đó chính là sức hút mạnh mẽ trong hội bài chòi Quảng
Trị.